Thi THPT Quốc gia: Chuyên gia mách nước chống tiêu cực bài thi tự luận

Các chuyên gia cho rằng, phương án thi THPT quốc gia 2019 đã khắc phục được những tồn tại của năm trước nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu con người và cần có thêm biện pháp hạn chế tiêu cực ở bài thi tự luận.

Ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng những biện pháp mà Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT) vừa đưa ra cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 là dựa trên việc rút kinh nghiệm từ những tiêu cực thi cử trong năm vừa rồi. Nếu thực hiện tốt những biện pháp đó thì kỳ thi sẽ trong sáng, công bằng hơn và quyền lợi đầu tiên mà các trường Đại học được hưởng đó là sẽ tuyển được thí sinh đầu vào đúng năng lực.

Đánh giá về phương án các trường Đại học, Cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình, ông Dũng cho rằng đây là chủ trương đúng vì như những năm trước việc coi thi do địa phương tổ chức nên việc xử lý nghiêm khắc chưa được như ý muốn. Hơn nữa việc để các trường Đại học tự chấm thi sẽ hạn chế được gian lận.

“Trong quy định không nêu rõ sẽ chấm ở đâu nhưng tôi nghĩ các trường sẽ mang về trường mình chấm, vì nếu như cử cán bộ đến địa phương chấm thi thì cũng sẽ chịu áp lực nhất định. Hiện nay phần mềm chấm trắc nghiệm đã được mã hóa và bảo mật tốt nên người ngoài không thể can thiệp vào được”- ông Dũng nói.

Nội dung thi THPT quốc gia năm 2019 chủ yếu là kiến thức lớp 12. Ảnh minh họa

Một điểm tốt nữa đó là việc đặt camera ở những điểm tập trung bài thi và những địa điểm chấm thi sẽ tạo nên áp lực tâm lý tốt để không xảy ra tiêu cực. Tuy nhiên, ông Dũng cũng băn khoăn đối với những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn: “Gắn trong thời gian nào, ai quản lý? Ngay cả với những camera IP để theo dõi từ xa qua mạng Internet thì sẽ như thế nào với những vùng không có mạng” – Ông Dũng đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Dũng, lâu nay chúng ta nghĩ rằng tiêu cực chỉ xảy ra đối với bài trắc nghiệm khi có tình trạng tẩy đi tô lại, nhưng bài tự luận cũng có thể sẽ xảy ra tiêu cực bởi có những trường hợp bị rút bài sau đó viết thêm vào bài và nộp lại. “Do đó để chống tiêu cực này, tôi đề xuất rằng lâu nay khoảng trắng trong bài thi tự luận không bị gạch, chỉ khi chấm mới gạch. Bây giờ tôi nghĩ trong quy chế thi bổ sung thêm thí sinh khi nộp bài trước sự chứng kiến của hai giám thị phải gạch chéo phần thí sinh chưa làm, như vậy sẽ không còn chỗ để viết bài thêm nếu như có tiêu cực xảy ra” – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đề xuất.

Quan trọng nhất là khâu con người

Đồng quan điểm, ông Ngô Minh Xuân – Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ tốt hơn kỳ thi năm ngoái. Phương án mới sẽ hạn chế được những tiêu cực thi cử trong năm trước, ví dụ như không để những người ở địa phương coi, hơn nữa phương án mới đã siết chặt từ trên xuống dưới tất cả những vấn đề từ khảo thí, đảm bảo chất lượng, giám sát chặt chẽ hơn.

Ông Xuân đặt kỳ vọng với những thay đổi trong phương án thi sẽ hạn chế được tiêu cực, đánh giá công bằng khách quan, chính xác và tuyển được những thí sinh giỏi vào trường, đây là kỳ vọng chung của tất cả các trường.

Cũng theo ông Xuân, tất cả những phương án này là tốt và đồng tình ủng hộ nhưng về mặt con người cũng phải được chú trọng, phải được tuyển chọn kỹ lưỡng. Phải là những người trung thực, kỷ luật, đạt tiêu chuẩn chứ không phải ai cũng có thể làm được điều này.

Nguồn: laodong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *