Năm 2022 có nhiều đề xuất về chế độ, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo. Bước sang năm 2023, không chỉ những người làm giáo dục, mà cả xã hội kỳ vọng: Các đề xuất về cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo sẽ trở thành hiện thực. Qua đó, tạo niềm tin và động lực để họ yên tâm công tác, tận tâm, tận hiến với sự nghiệp “trồng người”.
1. Năm 2022 có nhiều đề xuất tăng đãi ngộ cho nhà giáo
Năm 2022 có nhiều đề xuất về chế độ, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo. Trong số đó, đáng chú ý là đề xuất về chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo với 8 mức từ 25% đến 100%. Cùng với đó, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ngẫm lại mới thấy, hầu hết ý kiến đều thống nhất quan điểm: Tăng lương và phụ cấp cho giáo viên là việc làm cấp bách.
2. Kỳ vọng sẽ hiện thực hóa vào năm mới
Tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, những thay đổi về cơ chế chính sách trên vẫn còn dang dở và chưa được hiện thực hóa; song ít nhiều cũng có những tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm và động lực nghề nghiệp của giáo giới. Bởi vậy, ai nấy đều khấp khởi niềm tin và mong muốn, những đề xuất trên sớm trở thành hiện thực trong năm 2023. Khi những ý tưởng, đề xuất được thực thi vào thực tiễn sẽ là một trong những giải pháp thiết thực nhằm thu hút và giữ chân người giỏi cho ngành Giáo dục.
Chính sách trên tác động vào 2 yếu tố: Tạo ra môi trường làm việc tốt; trân trọng và khai thác hiệu quả các sản phẩm do nhân tài cống hiến. Trước mắt, hạn chế tình trạng “chảy máu” chất xám nội ngành khi mà tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương.
Thực tiễn khách quan cho thấy, ngoài các chế độ, chính sách ưu đãi, cần xây dựng môi trường làm việc để giáo viên có đất “dụng võ”. Trên hết là để họ gắn bó lâu dài với ngành Giáo dục, nhất là với những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm tốt. Làm sao để điều đó trở thành nhu cầu tự thân, tự nguyện của mỗi nhà giáo. Muốn vậy, môi trường làm việc phải thoải mái, hạnh phúc để những tài năng có điều kiện phát triển. Trong môi trường đó, người quản trị phải đặt niềm tin vào giáo viên và có được sự tin tưởng của đồng nghiệp để họ yên tâm cống hiến.
Nói cách khác, các cơ sở giáo dục cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa, phát huy dân chủ, tạo không khí đoàn kết, chia sẻ trong tập thể sư phạm. Trên hết là xây dựng các mối quan hệ hài hòa giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên với nhau; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhà giáo trong điều kiện cho phép và phù hợp với quy định.
Suy cho cùng, chế độ chính sách và môi trường làm việc là hai yếu tố căn bản và cốt lõi nhằm tháo gỡ nhiều “nút thắt” cho đổi mới giáo dục, mà ở đó giáo viên là nhân vật trung tâm và lực lượng nòng cốt. Khi giáo viên yên tâm công tác, họ sẽ thấy hạnh phúc với nghề nghiệp của mình. Lẽ tất nhiên, thầy, cô giáo hạnh phúc sẽ mang những niềm vui đến trường, bởi họ trút bỏ được gánh nặng về “cơm áo, gạo tiền” mỗi khi lên lớp. Hạnh phúc của giáo viên sẽ được lan tỏa đến học sinh và sẽ ngày càng có nhiều lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc trong năm 2023.
Theo: Giaoducthoidai
=======================================================================================
TRƯỜNG TRUNG CẤP CÔNG NGHỆ VÀ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI TUYỂN SINH LỚP DIGITAL MARKETING NGẮN HẠN
Chi tiết xem ngay TẠI ĐÂY
Đăng ký ngay TẠI ĐÂY