“Khi số lượng muốn thi lớp 10 và số lượng tiếp nhận vào là khác nhau, thì dù có thi hay xét tuyển lớp 10, áp lực cũng không hề giảm” – Theo thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Khi số thí sinh thi lớp 10 lớn hơn số chỗ
Chiều 3/3, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã trả lời câu hỏi về việc tổ chức thi vào lớp 10 khác nhau giữa các địa phương.
Ông Sơn cho biết theo quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ, việc thi hay xét tuyển vào lớp 10, hoặc kết hợp cả hai, được giao cho các địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan tham mưu, trình UBND tỉnh, thành phê duyệt về môn thi, hình thức thi, hệ số bài thi, điểm cộng…
Theo ông Sơn, khi số thí sinh muốn vào học lớp 10 lớn hơn số chỗ, đặc biệt là trường chuyên, thì buộc phải tổ chức xét tuyển hay thi tuyển, tuỳ theo đặc điểm từng địa phương.
Tuy nhiên, dù thi hay xét tuyển, thi ba hay bốn môn, thì điều quan trọng vẫn là phải đảm bảo sự công bằng, tin cậy, sau đó mới nói chuyện áp lực.
“Áp lực cũng khó thay đổi. Khi giữa cung và cầu, số lượng muốn vào và số chỗ tiếp nhận khác nhau, thì dù có thi hay xét tuyển, áp lực cũng không hề giảm, mà nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác”, ông Sơn nói, nhìn nhận nếu tổ chức thi thì áp lực dồn vào thời gian ôn thi và thi, còn nếu xét tuyển học bạ, thì áp lực sẽ rải ra các năm học.
Cuộc đua khốc liệt mỗi kỳ thi vào 10
Về ý kiến nhân đôi hệ số hai với môn Văn và Toán là không phù hợp, theo ông Sơn, chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đến việc phát triển toàn diện năng lực cho học sinh nhưng không có nghĩa là coi nhẹ các môn văn hoá, đặc biệt các môn quan trọng như Toán và Văn.
Với chương trình phổ thông mới, Bộ quy định không còn tính điểm trung bình, không còn hệ số môn học để ghi vào học bạ. Tuy nhiên, khi tổ chức thi vào lớp 10, các địa phương có thể đưa ra yêu cầu nhân hệ số hai với môn Toán, Văn, vì không phải học sinh nào cũng có điều kiện học ngoại ngữ như nhau.
“Do vậy chọn nhân đôi hai môn Toán, Văn cũng có căn cứ, mặt khác cũng có thể xem như yêu cầu đầu vào, vì trong quá trình học phổ thông, có thể hai môn này yêu cầu kiến thức nền tảng quan trọng hơn nên phải học tốt hơn, nên địa phương có thể cân nhắc việc này, đặc biệt đối với các trường chuyên”, ông Sơn cho hay.
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm. Năm ngoái, hầu hết tỉnh, thành tổ chức thi ba môn Toán, Văn, Anh, hoặc kết hợp xét tuyển học bạ. Riêng Yên Bái cho thi bốn môn; Hưng Yên, Kon Tum, Vĩnh Phúc thi Văn, Toán cùng bài tổ hợp.
Ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM, kỳ thi vào lớp 10 được ví như cuộc đua khốc liệt. Trong khi TP HCM tổ chức thi ba môn, hệ số như nhau thì tại Hà Nội, việc nhân đôi hệ số môn Văn, Toán cũng như số môn thi lớp 10 luôn gây tranh cãi.
======================================================================================