Thời gian qua, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động. Hơn 80% học viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có việc làm.
Hơn 80% học viên tốt nghiệp có việc làm
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết hiện cả nước có gần 84 nghìn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đa số các giáo viên đều đạt chuẩn về trình độ và kỹ năng. Hệ thống kiểm định chất lượng độc lập được hình thành. Tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác chuyên môn được đẩy mạnh. Gắn kết với doanh nghiệp trong tất cả các khâu của thị trường lao động khá chặt chẽ và có hiệu quả.
Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động. Điều này thể hiện qua con số hơn trên 80% người tốt nghiệp đã có việc làm. Ở một số lĩnh vực, người học sau khi tốt nghiệp đã có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF 2019, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đạt 44 điểm, xếp thứ 102/141 quốc gia.
Quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhiều thiếu sót
Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới.
Cùng với đó, sự gắn kết nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp trong phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa chặt chẽ. Hình thức tổ chức đào tạo chưa đa dạng, linh hoạt; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng và hiệu quả, chưa tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Bài học kinh nghiệm từ những kết quả phát triển giáo dục nghề
Dựa trên những hạn chế hiện tại, Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp cần thực hiện có chiến lược PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP với mô hình tham khảo như sau:
- Phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động, thực tiễn kinh tế-xã hội, thực tiễn các vùng, miền và nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn
- Phải bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm khuyến khích năng lực chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.
- Phải đặc biệt coi trọng chất lượng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa đào tạo đại trà, diện rộng và đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao.
- Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp cần phải đi trước một bước. Cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được các thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho học sinh và người lao động. Chỉ khi người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về dạy nghề trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình, họ mới tích cực tham gia học nghề.
- Thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật
- Ngân sách nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo thông qua các chương trình, đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp.