Hiện nay, Luật Giáo dục 2005 chưa có quy định cụ thể về liên thông trong giáo dục, chưa thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29/NQ-TW; chưa phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của UNESCO và các nước phát triển trên thế giới.
Trong khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có quy định cụ thể về liên thông (Điều 9) thì đạo luật cơ bản về giáo dục là Luật Giáo dục lại chưa có quy định cụ thể việc này, gây khó khăn cho liên thông trong cả hệ thống Giáo dục.
Từ thực tế này, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) bổ sung một điều luật quy định riêng về liên thông vào Luật Giáo dục sửa đổi (Điều 8) để làm rõ hình thức, cách thức liên thông giữa các trình độ đào tạo, ngành học, hình thức học tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người.
Đồng thời, bổ sung 1 điều khoản vào Luật Giáo dục sửa đổi (Khoản 3 Điều 120) nhằm sửa đổi khoản 3, khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp để tạo sự liên thông, thống nhất giữa quy định của Luật.
Tổng hợp của Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) – Thường trực ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) – khi tiếp thu ý kiến nhân dân, đa số ý kiến nhất trí với Điều 8 dự thảo Luật quy định riêng về liên thông để làm rõ hình thức, cách thức liên thông giữa các trình độ đào tạo, ngành học, hình thức học tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người; bổ sung quy định vào dự thảo Luật để sửa đổi nội dung có liên quan của Luật Giáo dục nghề nghiệp tạo sự thống nhất giữa quy định của hai Luật; nhằm thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của UNESCO và các nước phát triển trên thế giới; khắc phục tình trạng Luật Giáo dục nghề nghiệp có quy định cụ thể về liên thông, trong khi đạo luật cơ bản về giáo dục là Luật Giáo dục lại chưa có quy định cụ thể việc này, gây khó khăn cho liên thông trong cả hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung liên thông chương trình với nước ngoài; không áp dụng liên thông đối với ngành sư phạm và y tế; hoặc có ý kiến không đồng ý quy định liên thông vì không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo công bằng cho người học chính quy và người học không chính quy.
Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của nhân dân nêu trên, sửa đổi, bổ sung quy định liên thông trong giáo dục, theo đó quy định cụ thể:
Liên thông trong giáo dục giúp người học có thể sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm công bằng, dân chủ và công khai, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người.
Việc liên thông phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng; chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng kế thừa, dựa trên chuẩn đầu ra của từng khung trình độ, tích hợp, người học không phải học lại kiến thức và kỹ năng đã tích luỹ ở các chương trình giáo dục trước đó. Đồng thời, bổ sung quy định vào dự thảo Luật và sửa đổi nội dung có liên quan của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Nguồn: giaoducthoidai.vn