Tốt nghiệp đại học, không ít cử nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, có người chọn “cất bằng” để đi làm công nhân. Điều này cũng phần nào lý giải nguyên nhân tại sao số học sinh đủ điều kiện đỗ đại học, nhưng lại lựa chọn học trường nghề tăng liên tục trong những năm gần đây.
Cử nhân đại học thất nghiệp nhiều hơn trung cấp
Theo thống kê số liệu từ 181 trường đại học và 40 trường cao đẳng giai đoạn 2011-2020 của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tỷ lệ sinh viên đại học có việc làm đạt khoảng 65,5% so với tổng sinh viên tốt nghiệp năm 2018 .
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân đại học thất nghiệp, trong khi trường nghề/ trung cấp chỉ 1,1% và người chưa từng đi học là 1,5%. “Nguyên nhân một phần do những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao hơn nên mất nhiều thời gian để tìm việc phù hợp với ngành học”, nhóm nghiên cứu nhận định. Dù vậy, nhìn chung thị trường lao động vẫn thiếu sinh viên nhóm chất lượng cao ở mọi cấp học.
Cất bằng đại học đi làm công nhân
Chị N.T.T (27 tuổi, Bắc Ninh) tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nhưng đã chọn làm công nhân may. Lý do dẫn đến quyết định này của chị là muốn đảm bảo có công việc với mức lương ổn định.
“Chuyên ngành của tôi sau khi ra trường sẽ làm may mẫu, kỹ thuật may. Nhưng vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên không công ty nào muốn nhận. Vì thế, tôi đã quyết định “giấu bằng” đại học để xin vào làm công nhân” – chị T nói.
Làm công nhân may, chị T không cần phải có bất kỳ bằng cấp gì. Khi nhận vào làm việc, chị được đào tạo, chỉ dạy tận tình. Theo chị T, có thể sau này nếu nghỉ làm công nhân, chị sẽ tự tin khi đi xin việc với tấm bằng đại học và có khả năng tìm được việc hơn. Không những thế, mức thu nhập của công nhân hiện nay cũng khá ổn định.
Nếu tăng ca đầy đủ, cộng thêm các khoản phụ cấp mỗi tháng, chị cũng nhận được từ 9 đến 12 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá hấp dẫn mà không phải nhân viên văn phòng nào cũng đạt được.
Chị T tâm sự, khi quyết định giấu bằng đại học xin đi làm công nhân, chị cũng tiếc cho số năm học tập tại trường đại học. Thế nhưng, vì cuộc sống mưu sinh, chị đành gác việc đi xin việc tại các công ty, miễn có thu nhập tốt. Hiện tại, chị T khá hài lòng với công việc của một công nhân đang làm và sẽ cố gắng thật nhiều trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thu Hương – chuyên viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi – cho biết, hiện nay công ty bà không tuyển thêm nhân sự. Với lao động phổ thông, công ty này không yêu cầu khắt khe bằng cấp, chỉ cần tốt nghiệp THPT là sẽ được nhận. Sau khi vào làm việc, công ty sẽ tiến hành đạo tạo trong thời gian nhất định.
Với nhân sự khối chuyên môn kỹ thuật và văn phòng, công ty này yêu cầu có ít nhất bằng cao đẳng trở lên. Theo bà Hương, công ty bà không gặp khó trong việc tuyển dụng nhân sự khối kỹ thuật và văn phòng.
“Ngoài tham dự các phiên giao dịch việc làm, chúng tôi cũng thường đến các trường đại học, cao đẳng để tuyển nhân sự. Tuy nhiên, sinh viên chưa có nhiều kĩ năng mềm như giao tiếp, ứng xử. Các bạn chỉ đáp ứng được về yêu cầu bằng cấp” – bà Hương nhận định.
Săn đón lao động ngay từ trường nghề
Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hơn 386.000 em bỏ xét tuyển đại học, chiếm khoảng 35%. Con số này tăng so với năm 2021 và 2020 (số học sinh bỏ xét tuyển đại học các năm lần lượt là 227.000 và 237.000 em, chiếm hơn 20% số thí sinh thi tốt nghiệp).
Các tỉnh thành có nhiều học sinh không xét tuyển đại học năm 2022, gồm: Hà Nội – 22.100 em, Thanh Hóa -15.700 em và Nghệ An – 14.100 em.
Khi đại học không trở thành con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhiều học sinh dù có kết quả đỗ đại học vẫn quyết định chọn học trường nghề.
Ông Trịnh Cao Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội – cho biết, số lượng sinh viên có điểm đỗ đại học nhưng lại nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội chiếm khoảng 30% tổng số sinh viên năm học 2022-2023.
Tại trường nghề, sinh viên sẽ được đẩy mạnh thực hành nghề nghiệp, giới thiệu việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo ông Khải, nhu cầu về nhân lực ngành du lịch – dịch vụ trong những năm sau dịch COVID-19 tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã phải tìm đến trường nghề để có thể tuyển được nhân sự.
“Với các nhân sự tốt nghiệp đại học, sau khi làm việc tại các doanh nghiệp, họ thường có xu hướng nhảy việc, không muốn gắn bó, trong khi những học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường nghề lại gắn bó lâu dài. Những nhân sự gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp, công ty sẽ cất nhắc lên các vị trí cao hơn, với mức thu nhập không thấp” – ông Khải cho hay.