Giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho suốt cả quá trình công tác, còn kinh phí đào tạo được lấy từ nguồn ngân sách.
Trên mạng xã hội Facebook đang có hiện tượng chèo kéo giáo viên các cấp tham gia học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với nhiều thông tin thất thiệt.
Nhiều thầy cô đành “cắn răng” nộp từ 2,5 đến 3 triệu đồng để kiếm cái chứng chỉ phòng thân, biết đâu sẽ dùng đến.
Giáo viên được tiếp thị học chứng chỉ chức danh qua mạng xã hội. (Ảnh: Cao Nguyên) |
Cân nhắc trước khi bỏ tiền học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. [1], [2]
Theo đó, Nghị định 89/2021/NĐ-CP thay đổi một số quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Cụ thể, Nghị định 89/2021/NĐ-CP có một số nội dung thay đổi so với Nghị định số 101/2017/NĐ-CP như sau:
Nghị định 89/2021/NĐ-CP | Nghị định 101/2017/NĐ-CP |
Điều 17. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần. | Điều 17. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thời gian thực hiện tối thiểu là 06 tuần, tối đa là 08 tuần, gồm: a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng IV; b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng III; c) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II; d) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng I. |
Điều 26. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng: Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng. | Điều 26. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng: 1. Chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm: a) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; b) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; c) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. |
Như vậy, từ 4 chứng chỉ, giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho suốt cả quá trình công tác.
Bên cạnh đó, Điều 18 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình bồi dưỡng như sau (trích):
– Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
– Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
– Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức và theo nhu cầu bản thân, thời gian thực hiện tối thiểu 01 tuần (40 tiết)/năm, tối đa 04 tuần (160 tiết)/năm.
Như vậy, Điều 18 Nghị định 89/2021/NĐ-CP có 3 điểm cần lưu ý:
1) Giáo viên tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh nếu được Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục yêu cầu;
Bộ Giáo dục nên hướng dẫn quy đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo |
2) Giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp;
3) Giáo viên phải tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm nếu được Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục yêu cầu hoặc theo nhu cầu bản thân.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 2 điều khoản thi hành quy định:
Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.
Về kinh phí, Nghị định 89/2021 quy định:
– Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
– Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Có thể nhận thấy, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được lấy từ nguồn ngân sách, giáo viên đã có chứng chỉ chức danh, đã được bổ nhiệm thì không phải học nữa.
Vì sao chưa thể bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên?
Luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33);
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).
Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
Nhìn chung, theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho suốt cả quá trình công tác, kinh phí bồi dưỡng từ nguồn ngân sách – thực sự đã giảm tải và giảm bớt gánh nặng rất nhiều cho thầy cô giáo.
Ngoài ra, sau khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập được sửa đổi theo hướng yêu cầu giáo viên các hạng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, lúc đó địa phương sẽ có phương án hỗ trợ kinh phí cho thầy cô trong quá trình học tập.