Chống gian lận thi THPT quốc gia 2019: Trách nhiệm nặng hơn với các trường đại học

Một trong những đổi mới trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 là sự tham gia của trường đại học (ĐH) sẽ nhiều hơn trong các khâu coi thi, chấm thi. Sự thay đổi này đang được kỳ vọng mang lại tính công bằng, khách quan cho kỳ thi; nhưng đồng thời trách nhiệm chống gian lận thi cử của các trường ĐH cũng đang nặng nề hơn.

Trường ĐH chịu trách nhiệm nhiều hơn

Càng gần kỳ thi, những băn khoăn trong việc khắc phục những tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ra sao, lại càng được dư luận quan tâm. Chia sẻ về điều này, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho hay: Qua vụ gian lận thi cử của Hòa Bình và một số địa phương khác trong năm 2018 đã giúp Bộ GDĐT nhìn nhận, đánh giá, lường trước những gian lận có thể xảy ra. Vì thế, kỳ thi 2019 sẽ có một số điều chỉnh toàn diện ở tất cả các khâu. Cụ thể là công tác lựa chọn cán bộ, nhân sự phục vụ kỳ thi sẽ được đẩy lên. Sự thành bại của một kỳ thi tại mỗi địa phương, nên chịu trách nhiệm cao nhất và trực tiếp phải là lãnh đạo địa phương đó.

Theo ông Trinh, năm nay việc bảo quản đề thi tại các hội đồng thi, điểm thi được quy định chặt chẽ, trong đó phân vai trách nhiệm của trưởng điểm thi, đặc biệt là từ các phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH. Ở khâu coi thi, tiếp tục duy trì mô hình như mọi năm nhưng vai trò của các phó trưởng điểm thi đến từ trường ĐH, cao đẳng (CĐ) sẽ được nâng thêm một bước nữa. Sẽ tăng cường quy định kỹ thuật trong việc niêm phong túi đựng bài thi, dùng tem, nhãn niêm phong theo mẫu chung, dễ rách, dùng một lần, trên đó có chữ ký của 2 cán bộ coi thi, của phó trưởng điểm đến từ trường ĐH.

Việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ được giao cho các trường ĐH, với một tổ chức quy trình chặt chẽ từng khâu từng bước. Năm nay thiết bị kỹ thuật, hệ thống máy tính dùng cho phòng chấm thi trắc nghiệm, đặc biệt phần mềm chấm thi có những cải tiến hết sức căn bản.

Toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm, bao gồm file ảnh quét bài thi sẽ được mã hóa hết để những dữ liệu này chỉ có thể đọc được bởi các công cụ đi kèm. Tất cả những can thiệp chấm thi trắc nghiệm sẽ được lưu vết trong phần mềm. Chỉ người có trách nhiệm mới đọc được những thông tin đó. Tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử để bảo đảm rằng mối liên hệ giữa các thông tin cá nhân của thí sinh và bài làm của thí sinh không xuất hiện đồng thời.

Ở khâu chấm thi bài tự luận, quy chế năm nay nêu rõ hơn về việc bốc thăm phân chia bài thi như thế nào và chấm hai vòng ra sao. Chấm kiểm tra vẫn được tiến hành với ít nhất 5%. “Tuy nhiên, chúng tôi quy định ngoài việc chấm ngẫu nhiên như năm trước thì năm nay những bài điểm cao sẽ được lựa chọn để chấm kiểm tra nhằm phát hiện các gian lận nếu có”-  ông Trinh nhấn mạnh.

Cần chủ động về chất lượng đầu vào

Dẫu thế, lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng, nếu Bộ làm tốt các giải pháp đã đề ra và có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan từ khâu làm đề, coi thi, bảo quản bài thi và chấm điểm thì kết quả mới thực sự khách quan, tạo niềm tin cho xã hội. Việc điều chỉnh toàn diện ở tất cả các khâu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019 cũng đang được đánh giá là nét đổi mới, thể hiện sự lắng nghe của Bộ GDĐT, nhằm quyết liệt chống gian lận thi cử và biện pháp này sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm tiêu cực. Các trường ĐH hẳn sẽ không vì lý do gì mà nâng hay sửa điểm, bởi điều quan trọng nhất với họ là chất lượng đầu vào của sinh viên.

Trong khi vẫn còn có những quan điểm khác nhau về tính chất kỳ thi “2 trong 1”,  nhiều trường ĐH đã rất chủ động về chất lượng “đầu vào”. Theo TS Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, đối với các trường ĐH, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển chỉ là một kênh tuyển sinh. Dù tuyển sinh theo hình thức nào thì những trường, ngành có tính cạnh tranh cao (thường gọi là trường, ngành tốp đầu) cũng nên có hình thức kiểm tra năng lực, đánh giá lại kiến thức cơ bản của thí sinh trước khi chính thức công bố trúng tuyển. Có như vậy các trường, ngành này mới tuyển đúng được thí sinh có kiến thức và kỹ năng phù hợp, đồng thời loại trừ được những tiêu cực có thể xảy ra nếu chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay học bạ phổ thông.

Thực tế, ngay sau sự cố tuyển sinh 2018-2019, nhiều trường ĐH cho biết sẽ có phương án tuyển sinh riêng. Và mùa tuyển sinh 2019-2020, nhiều trường ĐH đã công bố tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Đặc biệt tại phía Nam, có khoảng hơn 22  trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia TPHCM để xét tuyển trong năm 2019. Trong đó, riêng ĐH Quốc gia TPHCM có tất cả 8 đơn vị thành viên đều sử dụng kết quả này để xét tuyển. Những phương thức khác như xét tuyển dựa trên trình độ ngoại ngữ quốc tế, tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2019…

Như vậy, kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào ĐH. Các trường đều sử dụng đa dạng các phương án tuyển sinh để gia tăng nguồn tuyển đạt chất lượng. Các hình thức xét tuyển trong từng trường cũng đa dạng hơn khi có những căn cứ đánh giá khác ngoài điểm thi THPT quốc gia. Ví dụ điểm thi THPT quốc gia kết hợp xét học bạ 3 năm THPT, hoặc xét điểm các môn thành phần trong quá trình học.

Nguồn: daidoanket.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *