Đề thi minh họa vào lớp 10 THPT của Hà Nội không khó, nhưng theo một số chuyên gia, với lượng kiến thức bao gồm cả của lớp 8 và 2/4 bài thi là trắc nghiệm, học sinh cần có cách thức ôn thi phù hợp để đạt điểm cao.
Tiếng Anh: Khó đạt điểm 9, 10
Đề Tiếng Anh tương đối khó, gồm 32 câu trắc nghiệm và 8 câu tự luận. Với 80% kiến thức cơ bản và 20% kiến thức nâng cao, thí sinh khó đạt điểm 9, 10.
Do đó, học sinh lớp 9 cần học thêm kiến thức nâng cao để làm bài tốt. Bên cạnh việc phân bổ thời gian ôn thi hợp lý, các em cần tập trung ôn nội dung trọng tâm, bao gồm ngữ pháp, từ vựng và đọc – hiểu.
Thầy Nguyễn Danh Chiến – Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) tư vấn các học sinh về phương pháp ôn tập môn học này: “Học sinh cần dành một vài tuần ôn tập lại kiến thức từ lớp 6, 7, 8. Sau đó tập trung nhiều cho chương trình lớp 9.
Trước khi đến lớp, các em cần chuẩn bị tốt bài ở nhà, đọc kỹ sách giáo khoa và làm bài tập. Trên lớp chú ý nghe hướng dẫn, tích cực luyện tập và phối hợp học cùng bạn bè, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và hiệu quả. Điều quan trọng là các em không phải lo lắng bởi nội dung kiến thức và kỹ năng không nằm ngoài những gì được học tại trường”.
Vật lý: Cần thay đổi cách học phù hợp
Thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên Vật lí tại Hà Nội nhận định: “Với cấu trúc và mức độ đề thi minh họa, học sinh lớp 9 tại Hà Nội chỉ cần học chắc kiến thức trong SGK, biết áp dụng các công thức trong các bài toán đơn giản là có thể hoàn thành tốt bài thi”.
Cũng theo thầy Thắng, đề gồm 40 câu trong vòng 60 phút, như vậy học sinh chỉ có 1,5 phút cho một câu. Bởi vậy, với câu lý thuyết các em học sinh cần phải khoanh được nhanh.
Với những câu bài tập, học sinh cần biết những mẹo, những thủ thuật, biết kĩ năng dùng máy tính thực sự thành thạo thì mới có thể “chạy đua với thời gian.
Học sinh không nên đi học thêm tràn lan. Các em chỉ còn khoảng 7 – 8 tháng và phải học 9 môn, đi học thêm tất cả các môn vừa tốn thời gian, vừa gây ra những áp lực không đáng có. Hãy tập trung bài giảng trên lớp, chủ động tự học ở nhà thay vì đi học thêm. Tăng cường tự luyện bài tập trắc nghiệm trong quá trình học”.
Hóa học: Tránh học thêm tràn lan
Cô Phạm Thúy Ngọc – Phó hiệu trưởng Trường THCS Trung Tú (Hà Nội) nhận định: Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa, không có câu hỏi vận dụng cao. Có tới 70% câu hỏi lý thuyết (28 câu), 12 câu hỏi về bài tập.
Để giúp học sinh có định hướng và kế hoạch học tập các môn tốt nhất, tránh việc học thêm tràn lan, cô Ngọc đưa ra 3 lời khuyên.
Thứ nhất, học chắc kiến thức ngay từ trên lớp, chú ý nghe giảng, xem bài và làm bài tập trước và sau mỗi tiết học để nhớ, hiểu kiến thức ngay sau mỗi bài học. Điều này nhằm giúp học sinh sắp xếp và tiết kiệm thời gian cho mỗi môn học.
Thứ hai, sử dụng sơ đồ tư duy trong học tập, mỗi bài, mỗi chương học xong, hãy vẽ sơ đồ tư duy để ghi nhớ dễ hơn, tiện tra cứu về sau, tránh việc học trước quên sau.
Thứ ba, rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm, tìm các phương pháp làm bài nhanh, cách nhận biết các dạng bài, phân bổ thời gian cho bài thi trắc nghiệm… Học sinh có thể luyện tập qua các bài tập, bài kiểm tra, đề thi trắc nghiệm Hóa học.
Lịch sử: Nên hệ thống theo các chuyên đề
Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Đại học Thủ đô Hà Nội nhận xét: Với cấu trúc đề thi môn Lịch sử mà Sở GD&ĐT đưa ra, học sinh phải học nghiêm túc ngay từ học kì 1. Các em phải hiểu bài và nhớ những mốc thời gian chính, cốt lõi của từng sự kiện. Tránh tình trạng học lan man sẽ dễ bị “loạn” khi mà khối lượng kiến thức môn học nhiều.
Các em nên hệ thống môn học này bằng các chuyên đề, các phần để rạch ròi về kiến thức trong quá trình học, tránh bị nhầm lẫn, nên đọc SGK ở nhà trước khi lên lớp, tăng cường làm bài tập trắc nghiệm qua các tài liệu tham khảo, cố gắng hiểu bài ngay tại lớp.
Các em cũng không nên quá lo lắng vì kiến thức thi cuối năm vẫn chỉ là kiến thức cơ bản trong chương trình SGK lớp 9, nếu chúng ta học nghiêm túc từ giờ vẫn hoàn toàn có kết quả bài thi cao như mong muốn.
Sinh học: Lựa chọn sau khi đọc hết câu hỏi và đáp án
Cô Dương Thu Hà, giáo viên Trường THPT chất lượng cao Lê Lợi (Hà Nội) tư vấn: Khi làm bài thi các em cần đọc hết câu hỏi và tất cả các đáp án rồi mới đưa ra lựa chọn. Tránh tình trạng đọc không hết đề, đọc lướt và vội vàng chọn ngay đáp án đầu tiên khi nghĩ nó đúng mà bỏ qua những đáp án còn lại vì có thể đáp án đúng nằm ở cuối thì sao?
Đây là một trong những sai lầm căn bản mà các thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm hay mắc phải. Do vậy các em cần phải đặc biệt lưu ý điều này. Theo cô, cách duy nhất để các em tránh mắc sai lầm này là hãy luyện tập thật nhiều và trong quá trình làm các em sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho mình, vừa tích lũy luôn kiến thức.
Cũng theo cô Dương Thu Hà, việc chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm ở năm thi đầu tiên này sẽ khiến ít nhiều thí sinh “bối rối” trong quá trình học ôn và khi làm bài thi. Do vậy các em cần phải thay đổi phương pháp học cho phù hợp để đáp ứng được yêu cầu của đề thi. Đặc biệt là rèn phản xạ làm bài vì số lượng câu hỏi và thời gian làm bài thi trắc nghiệm sẽ khác hoàn toàn so với bài thi tự luận. Do vậy, đòi hỏi thí sinh phải nhanh, nhạy bén trong tư duy khi làm bài thi thì mới đạt điểm cao như mong muốn.
Để có kết quả thi tốt nhất cho môn Địa lí, trong quá trình học tập học sinh cần lưu ý tới các từ khóa (Ảnh: Mỹ Hà).
Địa lý: Chú ý từ khóa, hệ thống kiến thức bằng sơ đồ
Cô Dương Thu Hương, giáo viên môn Địa lý tại Hà Nội lưu ý: “Để có kết quả thi tốt nhất cho môn Địa lí, trong quá trình học tập học sinh cần lưu ý tới các từ khóa, hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy sau mỗi bài học hoặc khi kết thúc 1 chủ đề”.
Theo cô Hương, các em cần so sánh đối chiếu kiến thức thực tế của các đối tượng địa lí đã học với các trang bản đồ trong Atlat Địa lí Việt Nam để tăng cường ghi nhớ kiến thức bằng kênh hình.
“Để có kết quả thi tốt nhất cho môn Địa lý, trong quá trình học tập học sinh cần lưu ý tới các từ khóa, hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy sau mỗi bài học hoặc khi kết thúc 1 chủ đề. Bên cạnh đó, cần so sánh đối chiếu kiến thức thực tế của các đối tượng địa lý đã học với các trang bản đồ trong Atlat Địa lý Việt Nam để tăng cường ghi nhớ kiến thức bằng kênh hình”, cô Hương nói.
Giáo dục công dân: Bổ sung kiến thức thực tiễn, tăng tư duy
Cô Dương Thị Trang, giáo viên Hệ thống Giáo dục H.A.S (Hà Nội) chia sẻ, đề thi không có nhiều đáp án “gây nhiễu” – học sinh có cơ hội đạt điểm 8, 9. Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội mới công bố môn thi thứ 4 nên các em học sinh cần ôn tập ngay để có kết quả tốt.
“Nhiều câu hỏi liên hệ thực tiễn đời sống xã hội đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực của học sinh, không đòi hỏi các em phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc nhưng phải phát triển khả năng tư duy logic, tích lũy kiến thức đời sống và biết cách vận dụng nhuần nhuyễn để giải quyết các câu hỏi tình huống đặt ra trong đề thi”, cô Trang cho hay.
Về ôn tập, theo gợi ý của cô Trang, học sinh cần ôn và nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để giải quyết các câu hỏi nhận biết, thông hiểu một cách dễ dàng, giải quyết được các câu hỏi tình huống.
Đặc biệt, cần bổ sung kiến thức thực tiễn nhiều hơn, tăng khả năng tư duy khi làm các câu hỏi vận dụng.
Nguồn: doanhnghiepvn.vn