Tất cả mọi người đều có cơ hội học tập

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Giáo dục 2019 quy định: Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên (GDTX). Việc bổ sung quy định thúc đẩy việc học tập của người lớn thông qua GDTX phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của một số quốc gia trên thế giới.

Ngành học mở – đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời

Lâu nay trong suy nghĩ của nhiều người, GDTX thường dành cho HS trượt phổ thông, hay những người học bổ túc văn hóa, đóng vai trò xóa mù chữ.

Trao đổi về bản chất của GDTX, bà Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: GDTX bản chất là ngành GD mở, cung cấp cơ hội học tập cho người học về văn hóa gồm các bậc TH, THCS, THPT, tạo điều kiện cho người học vừa học văn hóa vừa học nghề góp phần nâng cao dân trí trên địa bàn.

Theo ông Bùi Phương Việt Anh, Tổng Giám đốc EAS Việt Nam, nếu chúng ta coi GD là căn phòng trống, trong đó GD chính quy là những bộ bàn ghế kê trong đó, thì những khoảng trống của căn phòng đó là nhiệm vụ của GDTX. Trong GD nghề nghiệp cũng có đầy đủ tính chất của GD học tập suốt đời. GD chính quy lấy tính nghề nghiệp làm thước đo thì GDTX lấy tính quảng đại quần chúng, tính phổ cập làm thước đo. Nếu chúng ta làm tốt học tập suốt đời, tỉ lệ công dân tham gia học tập có thể lên tới 100%.

Hiện nay, khi Luật GD 2019 quy định, ngành học GDTX là ngành học mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời, chúng ta phải hiểu đúng chức năng và vai trò của GDTX. “Mở” ở đây bao hàm mở về mặt tính chất, về đối tượng (mọi đối tượng, ai cũng được học tập); mở về nội dung (đa dạng về nội dung học tập gồm nhiều chương trình văn hóa học nghề hướng nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề đồng thời cũng là liên kết để liên thông lên đại học…); mở về thời gian (học ngày, học tối …); mở về hình thức học tập (học tập trung, trực tuyến); mở về địa điểm (học trong và ngoài nhà trường).

Luật Học tập suốt đời sẽ là nghĩa vụ

GS.TS Phạm Tất Dong, Trưởng tiểu ban GDTX và học tập suốt đời, Ủy viên Hội đồng quốc gia và Phát triển nhân lực, kỳ vọng Luật GD 2019 sẽ giúp GDTX có những bước đột phá: Trước hết, học suốt đời thì kiến thức là mãi mãi, đòi hỏi các trường ĐH, CĐ, dạy nghề, các viện nghiên cứu… phải góp sức xây dựng tài nguyên GD, người dân có các tư liệu học tập suốt đời. Để làm được điều đó, cần có hệ thống tài nguyên GD mở.

Thứ hai, GDTX mở ra một hướng đi mới. Theo Chỉ thị số 11 – CT/TW ngày 13/4/2017 của Bộ Chính trị: GDTX phải làm được 8 việc lớn, trong đó, mỗi đảng viên, mỗi tổ chức Đảng phải làm tốt GDTX. Trong Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chương trình khuyến học khuyến tài và xây dựng XHHT của Ban Bí thư T.Ư cũng nhấn mạnh: Mỗi đảng viên phải là 1 công dân học tập, mỗi gia đình đảng viên phải là một gia đình học tập, mỗi Chi bộ Đảng phải là đơn vị học tập. Đây là bước đột phá, bởi đẩy mạnh GDTX trong Đảng thì người dân thực hiện tốt hơn.

Thứ ba, GDTX cần đẩy mạnh dạy nghề hơn nữa, đây là việc chống mù chữ cơ bản nhất. GDTX phải làm cho mỗi người có nghề nghiệp, nếu có một nghề cơ bản chúng ta sẽ xóa được mù chữ vĩnh viễn.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, giải pháp cần thiết trong giai đoạn tới, Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ lực, sẽ cùng với các cơ quan, ban ngành khác có những liên kết với nhau để xây dựng các chương trình GDTX trong mỗi cơ quan. Làm thế nào tất cả các hội, ban, ngành, đoàn thể… đẩy mạnh hơn nữa GDTX, để bất kể thành viên nào của hội cũng được đi học. Còn về giải pháp lâu dài, 5 năm nữa hoặc hơn, chúng ta sẽ có Luật Học tập suốt đời, khi đó, việc học tập suốt đời sẽ là nghĩa vụ chứ không phải phúc lợi.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *