Trong những năm gần đây, bạo lực học đường có xu hướng tăng nhanh và đang trở thành vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Trước vấn nạn này, chúng ta có thể làm gì để bảo vệ con trẻ?
Mặc dù bắt nạt học đường không phải là một vấn đề mới nhưng nhiều bố mẹ vẫn chủ quan cho rằng con đang theo học tại một ngồi trường tốt nên không bao giờ gặp phải tình huống này cho đến khi sức khỏe tinh thần của con sa sút thì đã quá muộn. Bài viết này, HEU chia sẻ dấu hệu nhận biết khi bị bắt nạt học đường và cách giải quyết tốt nhất.
Tình trạng bạo lực học đường hiện nay
Việc học sinh phải ở nhà học trực tuyến một thời gian dài để phòng dịch, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề được cho là 1 trong những nguyên nhân khi quay trở lại học trực tiếp đã liên tục xuất hiện các vụ bạo lực học đường.
Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, có hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Mới đây, thông tin nữ sinh N.T.Y.N lớp 10A15 trường THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử do bị bạo lực học đường gây rúng dộng dư luận.
Dù nghi vấn nữ sinh bị cô lập, là nạn nhân của bạo lực học đường chưa được làm rõ nhưng thực tế từ trước đến nay, vấn nạn này luôn là vấn đề khiến ngành giáo dục ám ảnh.
Thời gian qua, nhiều vụ việc đã xảy ra, gây hậu quả nặng nề khiến nạn nhân chấn thương tâm lý, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xảy ra gần đây xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè… Hậu quả của các vụ việc đánh nhau gây thương tích cho cơ thể, còn hành vi quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.
Phân loại 6 vấn nạn học đường thường gặp
1. Đánh đập, xô đẩy, hăm dọa
Biểu hiện rõ nhất của kiểu bạo lực học đường này là:
- Trên cơ thể có các vết bầm tím, trầy xước.
- Thường xuyên nói mình bị đau bụng, đau đầu, buồn nôn, tìm lí do để không phải đến trường.
Các bạn trẻ bị bắt nạt thường không dám thừa nhận việc mình bị bắt nạt vì sợ bạn trả thù. Do đó, phụ huynh cần khơi gợi, trò chuyện để bạn trẻ nói về các mối quan hệ bạn bè ở trường. Việc này có thể giúp phụ huynh biết được nhiều thông tin hữu ích hơn là ép buộc con phải thừa nhận tình trạng mà con đang gặp phải.
2. Chửi thề, chế giễu
Hình thức bắt nạt học đường gây nhiều tổn thương tinh thần nhưng lại khó nhận biết. Bởi kiểu bắt nạt này không để lại hậu quả, con có thể chỉ bị bạn bè bắt nạt bằng những lời lẽ khiếm nhã ngay khi có dịp như con không có bạn bè bên cạnh, không có thầy cô giáo ở cùng…
Kiểu bắt nạt này thường nhắm vào những đứa trẻ có thể chất yếu, ngoại hình khác biệt, khả năng học tập kém. Một số biểu hiện mà bạn có thể quan sát ở trẻ là:
- Chán ăn.
- Không trò chuyện.
- Không tự tin.
- Dễ bị tổn thương.
Nếu là nạn nhân của kiểu bắt nạt này, bạn nên dạy con chọn cách đáp trả của người lớn. Bằng cách nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt nạt và nói: ” Bạn không được xúc phạm mình”, “Tốt hơn là bạn nên đi chỗ khác chơi, đừng chế giễu người khác”…
3. Kỳ thị, tẩy chay, cô lập
Biểu hiện của kiểu bạo lực học đường này thường là:
- Con phải tự chơi một mình.
- Không có bạn bè.
- Không bao giờ kể về chuyện chơi với bạn bè ở trường.
- Có xu hướng thu mình, rất ngại tiếp xúc với người lạ.
Nếu có những biểu hiện trên, hãy dành thời gian trò chuyện, khơi gợi những khúc mắc trong con. Bạn có thể cân nhắc đến việc chuyển trường. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa như học bơi, học chơi một loại nhạc cụ, học diễn kịch, các lớp hướng đạo sinh… để con có các mối quan hệ khác ngoài trường học.
4. Bắt nạt trên mạng
Bắt nạt trên mạng là một kiểu bắt nạt không còn xa lạ với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Kiểu bắt nạt này chỉ xảy ra trong thế giới ảo thông qua các ứng dụng: mạng xã hội, thư điện tử… nhưng khiến nạn nhân chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Phương thức của kiểu bắt nạt này thường là tung tin đồn xấu, sỉ nhục hay châm biếm, bêu rếu…
Đặc điểm tâm lý chung của các bé bị bắt nạt trên mạng là:
- Ngủ muộn hoặc rất khó ngủ, thậm chí là mất ngủ.
- Dành nhiều thời gian vào các mạng xã hội nhưng sau đó lại có vẻ buồn, chán nản.
- Khóa hết các tài khoản mạng xã hội.
- Tìm mọi cách để không một ai có thể đụng vào máy tính hay điện thoại của mình.
Nếu con là nạn nhân của trò bắt nạt trên mạng, bạn nên tìm cách lưu lại tất cả nội dung, bằng chứng bắt nạt. Sau đó, bạn có thể yêu cầu nhà trường hỗ trợ giải quyết sự việc, nếu nghiêm trọng có thể yêu cầu công an vào cuộc.
Để giảm nguy cơ con bị bắt nạt trên mạng, bạn hãy hạn chế thời gian dùng máy tính, điện thoại thông minh của trẻ. Ngoài ra, chú ý tìm hiểu các trang web con hay vào, thử sử dụng để kiểm tra mức độ an toàn.
5. Tống tiền, trấn lột
Tống tiền, trấn lột trong học đường không phải vấn đề mới và có thể xảy ra ở bất cứ ngôi trường nào. Nạn bạo lực học đường kiểu này diễn ra âm ỉ và gây hậu quả xấu về mặt tinh thần.
Trấn lột, tống tiền diễn ra với nhiều hình thức như: trấn lột, tống tiền thẳng tay hay trấn lột tiền theo kiểu “bảo kê nhà vệ sinh”, “nộp tiền hụi”, “xin đểu”, “mượn” nhưng không bao giờ trả…
Nạn nhân thường là những đứa trẻ ốm yếu, nhút nhát, hay sợ sệt, thiếu tự tin, có học lực kém. Khi bị bắt nạt các con dễ rơi vào rạng thái lo âu, sợ sệt. Để có tiền đưa cho bạn, nhiều bạn không ngần ngại ăn trộm, ăn cắp. Nếu bị trấn lột trong thời gian dài, con dễ mất niềm tin vào cuộc sống, lo sợ, trầm cảm. Từ đó, nảy sinh các hành vi chống đối, gây hại cho người khác hoặc rơi vào tình trạng nghiện ngập, thậm chí là tự tử.
Nếu nhận thấy con có dấu hiệu khả nghi, bạn nên dành thời gian trò chuyện với con, hãy khơi gợi để trẻ nói ra sự việc. Bạn không nên la mắng hay kết tội mà hãy nhấn mạnh điều bạn muốn làm chỉ là chấm dứt tình trạng con đang gặp phải. Sau đó, hãy trao đổi thẳng thắn với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu và các phụ huynh liên quan để có cách giải quyết sự việc.
6. Tấn công tình dục
Đây là kiểu bạo lực học đường rất thường gặp nếu con trẻ đang ở tuổi dậy thì. Kẻ tấn công sẽ dùng các hình thức như: bình luận về cơ thể, trêu ghẹo bằng những lời lẽ khiếm nhã, nhìn trộm thậm chí là chụp ảnh hay tìm cách đụng chạm. Ngoài ra, kẻ bắt nạt còn có thể phát tán những hình ảnh nhạy cảm của con (nếu có) trên mạng xã hội hay bắt ép con nghe, nhìn những thứ có tính chất khiêu dâm.
Trong một số trường hợp, bắt nạt học đường dạng tấn công tình dục còn bao gồm hành vi quấy rối tình dục, trong đó người phạm tội có thể bị truy tố. Hầu hết các nạn nhân của loại hình bạo lực này là con gái, song các bé trai cũng không ngoại lệ.
Một số dấu hiệu bạn có thể nhận ra con đang là nạn nhân của bạo lực học đường kiểu này là: Con tỏ ra khó chịu, thậm chí là sợ hãi người khác giới, thay đổi thói quen ăn mặc, có dấu hiệu trầm cảm.
Nếu con là nạn nhân, bạn đừng chỉ trích hay đổ lỗi cho trẻ. Bạn nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, đại diện ban giám hiệu, kẻ tấn công con và phụ huynh để giải quyết. Nếu sự việc nghiêm trọng, hãy đưa con đi khám và xác nhận, đồng thời báo cho cơ quan công an điều tra, xử lý.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường
Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể từ phía gia đình, nhà trường và cộng đồng.
– Thứ nhất là từ phía gia đình: Gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên, nên hành vi của các em ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Gia đình không để ý đến các em, bỏ mặc sự giáo dục cho nhà trường là hoàn toàn sai hay là nền tảng gia đình không tốt, các em bị ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực ở trong chính gia đình mình cũng là nguyên nhân khiến những học sinh này có xu hướng bạo lực nhiều hơn những học sinh có môi trường giáo dục tại gia đình tốt.
– Thứ hai từ phía nhà trường: bạo lực học đường diễn ra thì một phần nguyên nhân nào đó là xuất phát từ chính môi trường đạo tạo của nhà trường, nhà trường có mô hình giáo dục chưa đúng cách, mang tính hàn lâm quá nhiều mà quên đi các hoạt động hay là chú trọng giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử cho các con.
Bên cạnh đó việc nhà trường mãi chạy đua theo thành tích mà có những hành vi sai lệch, bao che cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực xảy ra một cách phổ biến.
– Thứ ba là từ phía xã hội: Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của một con người, nếu như một người sống trong môi trường xã hội nhiều tiêu cực, nhiều hành vi phạm tội hay bạo lực xảy ra một cách rất phổ biến thì những đứa trẻ đó sẽ có xu hướng bạo lực và phạm tội nhiều hơn so với những đứa trẻ khác.
Các chuyên gia tâm lý nhận định, môi trường gia đình là yếu tố trực tiếp quan trọng nhất tác động vào tâm lý hình thành lên các cư xử của trẻ, giúp trẻ phân biệt được các điều có lợi và có hại khi thực hiện hành vi, biết lễ nghĩa kính trên nhường dưới, tôn trọng người nhiều tuổi hơn mình và giúp đỡ, che chở ngoài nhỏ tuổi, yếu thế hơn mình…Để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Hậu quả từ bạo lực học đường
Không có gì lạ khi bạn lo sợ rằng trẻ sẽ bị bạo lực học đường bởi ngày nay, tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Những biểu hiện của trẻ chứng tỏ “con đang phải chịu hậu quả nặng nề từ hành vi bạo lực” bao gồm:
- Không muốn nói về những chuyện ở trường.
- Sợ đi học.
- Dấu hiệu trầm cảm ngày càng rõ rệt.
- Kết quả học tập giảm sút.
- Không thích nói về những người bạn của mình.
- Bạn nhìn thấy trên người con có các vết thương, trầy xước khi trẻ đi học về.
- Con thường hay nói mình bị nhức đầu, đau bụng hoặc khó ngủ.
- Thay đổi trong thói quen ăn uống.
- Trở nên nhút nhát và thiếu tự tin.
- Về nhà với tình trạng áo quần không còn nguyên vẹn, các vật dụng cá nhân bị hư hỏng.
- Con thường hay nói mình bị nhức đầu, đau bụng hoặc khó ngủ.
- Thay đổi trong thói quen ăn uống.
- Trở nên nhút nhát và thiếu tự tin.
Ngoài các hậu quả được đề cập ở trên, các con bị bắt nạt khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn lo âu cao gấp 4,3 lần, chứng hoảng loạn cao gấp 14,5 lần và chứng trầm cảm, cao gấp 4,8 lần so với những đứa trẻ khác khi trưởng thành.
Làm thế nào khi con bị bắt nạt?
1. Tâm sự với con mỗi ngày
Dành thời gian quan tâm và hỏi con về những chuyện xảy ra ở trường, bạn bè để nắm bắt tình hình. Bố mẹ nên chọn thời gian yên tĩnh và hỏi những câu hỏi mở như “giờ ra chơi hôm nay con làm những gì? Con chơi với những bạn nào?”, “Hôm nay đi học có điều gì vui không?”…
2. Quan sát để nhận ra dấu hiệu con bị bắt nạt
Bố mẹ có thể nghi ngờ con bị bắt nạt khi thấy một số dấu hiệu như quần áo bị rách, đồ đạc bị mất, con xin thêm tiền ăn vặt, bỏ học hoặc viện mọi lí do để không phải đi học như đau đầu, đau bụng. Một vài dấu hiệu như con hay nổi giận, buồn bã, mất ngủ cũng cần được chú ý.
3. Liên lạc với nhà trường
Nếu con bị bắt nạt, bố mẹ nên liên lạc và báo cho nhà trường biết về tình trạng của con để nhận được sự hỗ trợ. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục, bạn cần tìm cách thu thập thông tin của các đối tượng bắt nạt con và gửi đến nhà trường để nhà trường có thể xử lý kỷ luật.
4. Động viên con
Khi bị bắt nạt, con có thể mất tự tin vào bản thân và dần trở nên nhút nhát. Hơn bao giờ hết, bạn cần động viên tinh thần và trấn an con. Bạn hãy cho con biết rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh và yêu thương. Nếu từng bị bắt nạt hay biết những người gặp hoàn cảnh giống vậy, bạn hãy kể chuyện cho con nghe để bé cảm thấy được đồng cảm, sẻ chia.
Làm gì nếu con là người bắt nạt bạn bè?
Nếu con mình là người bắt nạt kẻ khác, bạn cần can thiệp sớm để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường:
1. Dạy con kiểm soát cảm xúc
Dạy con cách kiểm soát cảm xúc cũng như nghĩ đến những điều tích cực khi cảm thấy tức giận về một điều gì đó. Người lớn cũng có thể lấy chính mình ra làm ví dụ như khi bạn đang tức giận, hãy nói với bé rằng: “Hiện tại, ba/mẹ đang cảm thấy rất tức giận, do đó ba/mẹ cần đi ra ngoài một lát để bình tĩnh lại”.
2. Cho con chơi với nhiều bạn khác
Cho con chơi chung với nhiều bạn bè khác nhau ngay từ khi còn nhỏ. Điều này sẽ giúp con có cơ hội hiểu rằng mọi người đều khác nhau và mình cần phải tôn trọng điều đó. Con thường thích bắt nạt những ai khác biệt so với mình. Với cách trên. Con sẽ không còn thấy bạn bè khác biệt với mình nữa.
3. Khuyến khích con giúp đỡ mọi người xung quanh
Nhiều bố mẹ thường nói với con rằng: “Con chỉ cần học cho giỏi là được”. Thực tế là ngoài việc học, trẻ nên được học thêm những điều khác như cách cư xử với mọi người, phải biết giúp đỡ những người khác… Để làm điều này, bạn có thể phân công cho con làm những công việc nhà đơn giản và hãy nhớ rằng bạn cần phải cư xử với con như người lớn chứ không phải là những đứa con nít.
4. Hãy để con được nói
Việc nuôi dạy các con sẽ trở nên dễ dàng hơn khi trẻ biết được bố mẹ nghĩ gì và ngược lại. Hãy để con được nói lên những cảm nhận của mình. Để làm được điều này, bạn nên trò chuyện với con nhiều hơn. Việc này có thể không hiệu quả nhưng dần dần bạn có thể dạy con hiểu được sự trung thực, công bằng và lịch sự là như thế nào.
5. Bố mẹ nên can thiệp nếu cần
Đôi khi, người lớn cần phải hành động quyết liệt để bảo vệ con cái chứ không phải để con đối mặt với tất cả mọi việc hoặc để sự việc trôi vào quên lãng. Nếu bạn đã làm mọi cách nhưng con vẫn cứ bắt nạt bạn bè, hãy nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất cho con cũng như các bạn khác. Nếu không, bạn cũng có thể nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý.