Trường Bồ Đề Phương Duy nằm trong khuôn viên chùa Long Thạnh (thị trấn Thủ Thừa), nhiều năm nay là nơi dạy dỗ, nuôi dưỡng hàng trăm trẻ cơ nhỡ.
Một buổi sáng giữa tháng 11, “cô giáo” Lê Thị Hồng Tâm cùng vài tình nguyện viên từ TP HCM hướng dẫn một nhóm trẻ tiểu học làm thủ công ở sân trường. Tụi trẻ dùng giấy màu cắt dán những con sứa vui nhộn, đội lên đầu, rồi nhún nhảy theo nền nhạc sôi động phát ra từ Ipad. Đây là một trong những buổi học trực tuyến của các em với các anh chị sinh viên đại học ở Singapore do chị Tâm kết nối. Ngoài môn thủ công, các em còn được học tiếng Anh, nhảy Aerobic.
Chị Tâm (37 tuổi, làm việc trong ngành du lịch), hiện sinh sống tại TP HCM. Đến thăm trường hơn 10 năm trước, chị thương hoàn cảnh của đám trẻ nên tìm cách kết nối với các trường ở nước ngoài để dạy thêm một số môn ngoại khóa cho các em.
Dù quen thuộc ở đây, nhưng chị Tâm ít khi dám hỏi hoàn cảnh từng em bởi biết các em đều là trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Chị Tâm kể có lần, nhóm tình nguyện hướng dẫn các em vẽ tranh về chủ đề gia đình. Thấy một bé vẽ ngôi nhà nằm giữa vườn cây, dưới gốc cây có người mẹ ngồi bồng con, các tình nguyện viên xoa đầu khen bé vẽ đẹp.
“Bé bất ngờ bảo thật ra con chỉ tưởng tượng ra mẹ thôi vì mẹ con bỏ đi lúc con còn nhỏ, còn ba con lấy vợ khác nên mới đưa con vô đây”, chị Tâm nhớ lại. Chị là một trong nhiều tình nguyện viên quen thuộc ở trường Bồ Đề Phương Duy, nơi đang dạy dỗ, cưu mang hơn 170 học sinh ở ba cấp học.
Nhiều năm trước, huyện Thủ Thừa còn hạn chế về đường sá, học sinh vùng sâu đi học chủ yếu bằng xuồng bơi hơn 10 km mỗi ngày. Thượng tọa Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh khi ấy quyết định nhận các em có hoàn cảnh khó khăn vào ở tại chùa cho tiện việc học. Ban đầu, nhóm chỉ khoảng 10 em, do khuôn viên chùa khá hẹp nên mọi sinh hoạt chủ yếu ở khu vực chánh điện. Về sau, một mạnh thường quân đã hiến tặng 3.000 m2 đất và năm 2010, nhà chùa vận động kinh phí xây trường với quy mô 8 phòng học cùng phòng thí nghiệm, thư viện, bếp ăn và khu nội trú. Trường khai giảng khóa đầu tiên năm 2012.
Gần 50 giáo viên, trong đó có khoảng 30 giáo viên về hưu đến dạy mà không nhận lương, chỉ nhận phụ cấp đi lại. Học sinh ở nội trú, mọi chi phí về ăn ở, học tập đều được miễn phí từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm. Theo thời gian, số học sinh tăng dần, nhiều em đến từ các địa phương khác như Cà Mau, An Giang, Thanh Hóa.
Trong khi nhóm học sinh tiểu học làm thủ công ngoài sân, ở trong lớp, cô Lê Ngọc Thu đang hướng dẫn các em lớp 8 làm bài tập Toán.
Cô Thu là giáo viên cấp 2 đã nghỉ hưu. Trong một lần đi tập dưỡng sinh, cô nghe kể trường thiếu giáo viên Toán nên tình nguyện đến dạy ở đây từ 4 năm trước. “Các em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình thương, một số em khá bướng bỉnh nên việc dạy đòi hỏi phải kiên trì, yêu thương”, nữ giáo viên 64 tuổi chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Thu Loan, Hiệu trưởng trường Bồ Đề Phương Duy, chia sẻ ngoài học các môn trong chương trình giáo dục phổ thông, các em còn được học thêm một số môn kỹ năng như võ thuật, âm nhạc, múa lân. Trường cũng rèn học sinh về kỷ luật, lối sống, cử giám thị theo dõi sinh hoạt hàng ngày của các em. Năm giờ sáng, học sinh phải dậy tập thể dục, sau khi ăn sáng sẽ thay nhau trực nhật, soạn tập vở để lên lớp. Khu lưu trú có 3 phòng nam, 2 phòng nữ riêng biệt, học sinh nội trú muốn ra ngoài phải được giám thị cho phép.
“Tổng chi phí ăn uống ngày ba bữa, chi phí sinh hoạt mỗi tháng khoảng trên 200 triệu đồng, tức là mỗi ngày trung bình trường cần hỗ trợ hơn 6 triệu đồng”, bà Loan nói.
h trưa, nhóm học sinh xếp hàng vào bếp nhận cơm, ngoại trừ một số dịp đặc biệt có thêm trứng; thực đơn quen thuộc gồm đậu chiên, củ quả kho, rau giá xào cùng canh chua chay.
Ngồi riêng một góc sân trường trong giờ giải lao, Phạm Minh Thư (12 tuổi) cùng anh trai (14 tuổi) là học sinh mới vào trường hồi tháng 10 vẫn chưa hết rụt rè. Quê ở tận An Giang, nhiều năm trước, hai anh em Thư được cha mẹ dắt đến Long An để thuê nhà và kiếm việc. Mẹ Thư sau đó đổ bệnh phải đi chữa trị, cha cũng đi nơi khác xin việc, hai anh em sống bơ vơ, được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội rồi được chuyển vào đây. Việc bắt nhịp với bạn bè của hai em khá gian nan, bởi người anh trai mới được học hết lớp 3, còn Thư chỉ biết vài ba con chữ, chưa một lần đến lớp.
“Các thầy cô không chỉ lo chỗ ăn nghỉ cho anh em con, mà còn kiên nhẫn dạy lại kiến thức để tụi con theo kịp bạn”, Thư nói.
Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An, nói trường Bồ Đề Phương Duy là trường tư thục duy nhất của tỉnh nhiều năm qua đã dạy dỗ, nuôi dưỡng miễn phí nhiều trẻ em cơ nhỡ. “Điều đặc biệt là nhiều năm liền trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, góp phần cùng địa phương phổ cập giáo dục, xóa mù chữ”, ông Thái nói.
Sau bữa cơm chiều, chú tiểu Hoàng Tăng Phúc băng qua một con đường nhỏ để đến gần khu vực chánh điện. Nhìn Phúc nhỏ hơn nhiều so với tuổi 17, năm nay em mới học đến lớp 5. Nhiều năm trước, cha mẹ Phúc đến Campuchia tìm việc rồi sinh ra Phúc và em gái. Do cha mẹ bận buôn bán nên hai anh em không được đi học. Một thời gian sau, cha của em mất, mẹ có gia đình khác, Phúc phải đến làm thuê cho các quán ăn.
“Một lần em tình cờ gặp đoàn từ thiện từ Việt Nam sang, em xin theo về và ở đây 4 năm nay”, Phúc kể, cho biết rất vui vì năm ngoái các thầy cô ở trường đã giúp em làm giấy khai sinh sau nhiều năm không có giấy tờ.
Trường Trung cấp Công nghệ Và Kinh tế Đối ngoại:
CS1: Số 41 Đặng Trần Côn, Quận Đống Đa, TP Hà Nội
CS2: Số 2 ngõ 786 Kim Giang,Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
Thời gian làm việc
Thứ 2 – Thứ 7: 8h00 đến 12h00, 13h00 đến 17h00
HOTLINE : 0246 681 5422 / 0969 249 588 / 0969241466
Email: tuyensinh@cnktdn.edu.vn