GDVN- Hiện nay việc bổ nhiệm hiệu trưởng thực hiện theo quy trình các bước của Nghị định 115/2020 của Chính phủ, có một số nơi thi tuyển hiệu trưởng.
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục mà điểm nhấn là việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai năm thứ ba đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10.
Theo nhận định của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, việc đổi mới lần này có thành công hay không, nhân tố chính không ai khác là giáo viên, trong đó hiệu trưởng có vai trò quyết định quan trọng.
Mặc dù một số địa phương đã thí điểm việc thi tuyển hiệu trưởng và lựa chọn được một số hiệu trưởng có tâm, có tầm, có bản lĩnh nhưng vẫn còn một số nơi bộc lộ bất cập trong quá trình tuyển chọn, dự thi, chấm thi, công khai kết quả thi tuyển hiệu trưởng.
Hiện nay, việc bổ nhiệm hiệu trưởng được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.Quy định việc bổ nhiệm hiệu trưởng hiện nay
Theo đó tại khoản 2 Điều 46 Nghị định 115 quy định quy trình 5 bước bổ nhiệm viên chức quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) như sau (trích):
“2. Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ
a) Bước 1: Sau khi cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương bổ nhiệm. Tập thể lãnh đạo gồm lãnh đạo huyện, phòng Nội vụ thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự.
b) Bước 2: Tập thể lãnh đạo mở rộng (gồm lãnh đạo huyện; thường vụ huyện ủy; trưởng phòng Nội vụ; trưởng phòng Giáo dục) thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
c) Bước 3: Tập thể lãnh đạo như bước 1, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín.
Thành phần: Hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; chi ủy; tổ trưởng; tổ phó chuyên môn; chủ tịch công đoàn.
Đối với đơn vị có số lượng người làm việc dưới 30 người hoặc đơn vị không có tổ chức cấu thành, thành phần tham dự gồm toàn thể giáo viên, người lao động trong biên chế làm việc thường xuyên tại đơn vị. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự.
đ) Bước 5: Tập thể lãnh đạo ở bước 1 thảo luận và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác:
a) Trường hợp nhân sự do đơn vị sự nghiệp công lập đề xuất thì tập thể lãnh đạo đơn vị thảo luận, thống nhất về chủ trương và chỉ đạo tiến hành một số công việc sau:
Gặp người được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm đang công tác về chủ trương bổ nhiệm; lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, đơn vị đối với nhân sự; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch.
Thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định.
b) Trường hợp nhân sự do cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến bổ nhiệm từ nguồn nhân sự ngoài đơn vị, bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền dự kiến bổ nhiệm tiến hành một số công việc sau:
Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy của đơn vị tiếp nhận nhân sự về dự kiến bổ nhiệm.
Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự đang công tác về chủ trương bổ nhiệm và lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch.
Gặp nhân sự được dự kiến bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định về nhân sự.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định…”
Nghịch lý bổ nhiệm hiệu trưởng để lãnh đạo trường nhưng giáo viên không được ý kiến, bỏ phiếu
Giáo viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy nhưng để quyết định sự thành công của nhà trường phải do sự lãnh đạo đúng đắn, có tâm, có tầm của hiệu trưởng.
Nói đúng hơn, hiệu trưởng được ví như linh hồn của ngôi trường, là đầu tàu tổ chức và điều hành mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.
Vì vậy hiệu trưởng phải có tâm và có tầm để có những quyết sách đúng đắn, không chỉ nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường mà còn biết quan tâm đến đời sống của giáo viên, nhân viên.
Tuy nhiên, trong quy trình các bước bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng thì giáo viên gần như không được ý kiến, đề bạt, bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng lãnh đạo mình (chỉ có đơn vị dưới 30 giáo viên thì ở bước 4, giáo viên mới được bỏ phiếu tín nhiệm).
Điều này dẫn đến nhiều trường hợp hiệu trưởng sau khi được bổ nhiệm không được tín nhiệm của tập thể, nhiều nơi mất đoàn kết nội bộ lâu dài.
Kiến nghị giáo viên được bỏ phiếu tín nhiệm, làm giám khảo chấm thi tuyển hiệu trưởng
Chỉ có sự đồng thuận, tín nhiệm của giáo viên tại đơn vị thì hiệu trưởng mới có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ mình về lâu dài, đưa ngôi trường ngày càng phát triển một cách vững chắc, ổn định.
Ngược lại giáo viên bất tín nhiệm, bất mãn thì ngôi trường ngày càng đi xuống, mất đoàn kết lâu dài, học sinh sẽ vô cùng thiệt thòi.
Hiện nay việc bổ nhiệm hiệu trưởng được thực hiện theo quy trình các bước của Nghị định 115/2020 của Chính phủ, một số địa phương thực hiện thí điểm thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Do đó, người viết xin được kiến nghị nếu thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì giáo viên nên được bỏ phiếu 2 lần:
Đầu tiên là bỏ phiếu giới thiệu hiệu trưởng, ở bước này trên cơ sở các cán bộ quy hoạch chức vụ hiệu trưởng, toàn thể giáo viên được viết phiếu giới thiệu người giữ chức vụ hiệu trưởng.
Những người được giáo viên giới thiệu nếu được trên 50% tín nhiệm thì đưa vào danh sách để thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng theo các bước của Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Sau khi thực hiện tiếp các bước, chốt danh sách đến bước 4 (tổ chức lấy ý kiến), giáo viên tiếp tục được bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng.
Ở bước này, tất cả giáo viên tại đơn vị được bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, nếu danh sách chỉ có 1 người thì nếu kết quả đạt trên 60% phiếu tín nhiệm, đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
Nếu danh sách tín nhiệm có hơn 1 người thì lấy người có số phiếu tín nhiệm cao hơn và phải ít nhất đạt 50% tín nhiệm của giáo viên tại đơn vị.
Tuy nhiên, để có được hiệu trưởng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vững vàng trong chuyên môn, linh hoạt sáng tạo thì đã đến lúc phải tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng công khai, minh bạch.
Chính việc thi tuyển hiệu trưởng sẽ tạo động lực cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục từng trường.
Chỉ khi thông qua thi tuyển hiệu trưởng thì trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, sự nhận thức mới được thể hiện đầy đủ hơn và khi đó giáo viên sẽ nhìn nhận hiệu trưởng với sự tâm phục vì tài năng, trí tuệ.
Việc thi hiệu trưởng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể từ các văn bản quy phạm pháp luật, một số tỉnh/thành đã thí điểm tổ chức thi tuyển hiệu trưởng theo quy định của địa phương.
Theo đó, quy trình thi tuyển hiệu trưởng cũng gồm các bước kiểm tra hồ sơ, văn bằng chứng chỉ, kiến thức chuyên môn, pháp luật,… và thành phần giám khảo chấm thường là chủ tịch tỉnh/huyện, phòng/ sở nội vụ, giáo dục và tất nhiên không có giáo viên được tham gia việc chấm thi tuyển hiệu trưởng.
Vì vậy, người viết đề xuất khi tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, phải có phần trình bày chiến lược phát triển giáo dục 5, 10 năm, cam kết đưa cơ sở giáo dục phát triển, địa điểm thi tại trường cần bổ nhiệm hiệu trưởng.
Thành phần ban giám khảo ngoài lãnh đạo địa phương, các ban ngành nên có thêm toàn thể giáo viên tại đơn vị và giáo viên chấm chiếm 50% điểm số vì chỉ có giáo viên là người biết rõ đối tượng dự thi hiệu trưởng nào có khả năng lãnh đạo, điều hành trường phát triển.
Dù tổ chức thi tuyển hoặc thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng cũng đều cần khách quan, công khai, minh bạch và có giáo viên tham gia vào quá trình tín nhiệm, chấm điểm thi tuyển.
Có như vậy người viết tin chắc sẽ lựa chọn được hiệu trưởng là người có tài, có đức lãnh đạo nhà trường và quan trọng là được sự đồng thuận của giáo viên.
————————————————————————————————————-